Chọn vị trí của bạn:

Quốc gia

Việc tháo dỡ pin công nghiệp giúp ô tô điện bền vững hơn

Ô tô điện đang phát triển mạnh mẽ – nhưng điều gì thực sự xảy ra với số lượng lớn pin đã qua sử dụng? Viện Fraunhofer IPA đã thử nghiệm thành công giải pháp tháo dỡ pin công nghiệp bằng KR QUANTEC của KUKA. Mục tiêu: Giúp cho việc sử dụng ô tô điện trở nên bền vững hơn.


Ngày càng nhiều ô tô điện – Liệu việc tái chế pin có phải là giải pháp?

Vào tháng 3 năm 2023, các quốc gia thuộc liên minh châu Âu đã đưa ra một quyết định có ý nghĩa to lớn: Từ năm 2035 trở đi, chỉ ô tô và xe tải nhỏ không phát thải mới được phép đăng ký mới ở châu Âu. Kể từ thời điểm đó, mọi chuyện đã rõ ràng: Tương lai của ngành công nghiệp ô tô sẽ nằm ở lĩnh vực di động điện. Các dự báo cũng cho thấy điều này: Trong khi có khoảng 27,7 triệu xe điện được sử dụng trên toàn thế giới vào năm 2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency, IEA) dự đoán con số này sẽ tăng lên hơn 226 triệu vào năm 2030. Đến lúc đó, gần một phần tư tổng số ô tô ở Đức sẽ là ô tô điện – hiện tại, con số này chỉ là hai phần trăm.
Trong dự án tháo dỡ pin công nghiệp “DeMoBat” thành công tại Viện Fraunhofer IPA ở Stuttgart, công nghệ của KUKA đóng vai trò trung tâm.

Rô-bốt công nghiệp giúp tái chế nguyên liệu thô có giá trị

Chỉ có một vấn đề: Với ngày càng nhiều xe điện, ngọn núi pin đã qua sử dụng cũng ngày càng cao hơn. Điều này là do các loại pin hiện chỉ có tuổi thọ trung bình khoảng mười năm. Đồng thời, nguyên liệu thô để sản xuất đang ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Một giải pháp: Tái chế! Và đây chính là lúc rô-bốt công nghiệp của KUKA phát huy khả năng, chính xác hơn là: rô-bốt công nghiệp KR QUANTEC.  Với sự trợ giúp của rô-bốt này, Viện Kỹ thuật Sản xuất và Tự động hóa Fraunhofer IPA ở Stuttgart đã chỉ ra cách thực hiện giải pháp trên - trong dự án nghiên cứu “DeMoBat – Tháo dỡ công nghiệp đối với pin và động cơ điện”
Viện Fraunhofer IPA ở Stuttgart và KUKA có mối quan hệ đối tác lâu dài.

Mười hai đơn vị thành viên đã tiến hành hợp tác nghiên cứu trong nhiều năm

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia từ 12 đơn vị thành viên đã nghiên cứu cách tái chế pin của ô tô điện theo cách vừa bền vững vừa có hiệu quả kinh tế. Dự án này có tổng cộng tám ứng dụng đã được phát triển đầy đủ dưới dạng các công cụ trình diễn và thử nghiệm có thể được sử dụng cho hoạt động công nghiệp liên tục. Trọng tâm của dự án chính là việc tháo dỡ pin ô tô điện. Điều này là do điều kiện tiên quyết để tái chế các thành phần pin là chúng phải được tách riêng biệt thành các thành phần cấu thành – và điều này không hề dễ dàng chút nào.

Tháo dỡ pin: phức tạp và nguy hiểm đến tính mạng

Ông Anwar Al Assadi, trưởng nhóm tại Viện Fraunhofer IPA giải thích: “Việc tháo dỡ pin đặt ra ba thách thức lớn”. “Trước hết, cần phải có chuyên gia có trình độ đặc biệt vì làm việc với công nghệ điện áp cao đòi hỏi người thực hiện phải được đào tạo đặc biệt và chuyên sâu.  Thứ hai, điện áp cao và các loại khí nguy hiểm trong quá trình tháo dỡ thủ công có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến hiện tượng tự bốc cháy. Và thứ ba, việc tháo dỡ bằng tay sẽ mất rất nhiều thời gian và do đó tốn nhiều chi phí. Hiện tại, những điều này thường làm cho việc tái chế dường như không mang lại lợi nhuận.”
Trong quá trình tháo dỡ pin, rô-bốt công nghiệp sẽ tiến hành một cách vô cùng cẩn thận.

Các giải pháp tự động hóa có thể đóng vai trò quyết định trong việc giúp cho di động điện trở nên bền vững hơn.

Ông Anwar Al Assadi, trưởng nhóm tại Viện Fraunhofer IPA

Việc tháo dỡ pin tự động chính là một mũi tên trúng ba đích

Những thách thức hoàn hảo đối với giải pháp dựa trên rô-bốt. Ví dụ: rô-bốt lắp ráp KR QUANTEC có tải trọng 270 kg được vận hành hoàn toàn bằng phần mềm “pitasc” được phát triển tại Viện Fraunhofer IPA và được điều khiển bằng KUKA.RobotSensorInterface, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các cảm biến bên ngoài. “Bằng cách này, chúng tôi có thể kiểm soát các bước tháo dỡ quan trọng trong thời gian thực và do đó tự động hóa nhiều quy trình khác nhau mà trước đây thường phải thực hiện thủ công.” Do đó, công nghệ tháo dỡ pin của KUKA giúp giải quyết ba vấn đề cùng một lúc: giảm thiểu tình trạng thiếu hụt chuyên viên lành nghề, giảm thiểu rủi ro về an toàn cho nhân viên và đảm bảo rằng việc tái chế pin cũng mang lại hiệu quả kinh tế.
Rô-bốt cánh tay có khớp nối 6 trục có thể nới lỏng các vít hoặc kết dính với độ chính xác tối đa.

Các quy định nghiêm ngặt hơn về pin của liên minh châu Âu thúc đẩy việc hành động 

Trong mọi trường hợp, các nhà sản xuất cần phải giải quyết vấn đề này: Từ năm 2023, quy định nghiêm ngặt hơn về pin của liên minh châu Âu sẽ yêu cầu các loại pin mới phải chứa tỷ lệ vật liệu tái chế cao hơn - ngay cả khi chúng được nhập khẩu sang châu Âu.  Một ví dụ ấn tượng về giá trị hỗ trợ kỹ thuật của KUKA chính là dự án nghiên cứu thành công ở Stuttgart. 
Tự động hóa mở ra những khả năng mới trong việc tái chế pin.
Tại đây, KR QUANTEC đã thực hiện nhiều công đoạn khác nhau: từ nới lỏng vít đến mở mối nối kín hoặc ngắt kết nối cáp. Ông Anwar Al Assadi giải thích: “Điều phức tạp là hiện nay trên thị trường đang có một số lượng đáng kinh ngạc các hệ thống pin khác nhau.” “Và mỗi hệ thống pin đều có sự khác biệt ở phần bên trong.” Trong một số trường hợp, nhà sản xuất còn thay đổi thiết kế của hệ thống pin ngay cả trong cùng một dòng xe. 

Bất kể loại pin nào của xe điện: KR QUANTEC đều biết cách giải quyết chúng

Là rô-bốt 6 trục, KR QUANTEC hoàn toàn phù hợp cho dự án: Với sáu bậc tự do, rô-bốt cánh tay có khớp nối có thể điều chỉnh tối ưu theo các kích thước và hình dạng khác nhau của hệ thống pin, đồng thời cũng có thể chịu được mô-men xoắn cao nhờ khả năng chịu tải của nó.  Theo đó, rô-bốt này cần có phần mềm như “pitasc” nói trên, kết hợp với phần cứng, để có thể xác định những gì cần phải làm bất kể loại pin được đề cập
Cấu trúc dự án của Viện Fraunhofer IPA cho thấy tính linh hoạt của rô-bốt KUKA.
Việc sử dụng các hệ thống hỗ trợ xử lý hình ảnh để tự động nhận dạng vít và các bộ phận khác khiến việc đào tạo thủ công KR QUANTEC cho từng quy trình riêng lẻ trở nên không cần thiết. Để tránh va chạm với các bộ phận, quá trình kiểm tra thành công sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng cảm biến và hệ thống camera 3D sau mỗi bước tháo dỡ. Các tín hiệu sau đó được truyền đến hệ thống điều khiển quy trình trung tâm để đảm bảo một luồng quy trình an toàn.

Nhờ có thiết kế được sắp xếp hợp lý và diện tích nhỏ, QUANTEC có thể được sử dụng để xây dựng một hệ thống linh hoạt và hướng đến tương lai.

Ông Thomas Schmidberger, Giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu mảng Điện tử

Hệ thống linh hoạt có thể xử lý pin có kiểu dáng khác nhau

Ông Al Assadi cho biết, điều phức tạp là các nhà sản xuất ô tô phải bố trí nhiều linh kiện nhất có thể vào trong không gian vô cùng nhỏ của pin. Điều này đã hạn chế phần lớn không gian di chuyển trong quá trình tháo dỡ. Những thách thức khác bao gồm vị trí dây cáp khác nhau hoặc nhiều chất kết dính trên pin, làm cho việc tháo tự động trở nên khó khăn hơn nhiều so với tháo vít thông thường. “Nhưng chúng tôi cũng đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này mà hiện chúng tôi muốn phát triển hơn nữa để sử dụng trong công nghiệp.” Điều quan trọng là phải xây dựng được các hệ thống linh hoạt – đặc biệt là vì thiết kế cơ bản của pin thường được thay đổi sau mỗi sáu tháng hoặc lâu hơn.
Hệ thống dự án của Viện Fraunhofer IPA có thể được sử dụng để vận hành công nghiệp liên tục.

KR QUANTEC: hấp dẫn vì có nhiều lĩnh vực ứng dụng

Tính linh hoạt là một trong những ưu điểm lớn của dòng KR QUANTEC: Thomas Schmidberger, Giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu mảng Điện tử cho biết: “Nhờ có thiết kế được sắp xếp hợp lýdiện tích nhỏ, QUANTEC có thể được sử dụng để xây dựng một hệ thống linh hoạt và hướng đến tương lai”. “Ngoài ra, giống như tất cả rô-bốt KUKA, nó được chứng nhận ESD là đủ tiêu chuẩn để đảm bảo khả năng xử lý an toàn các bộ phận tĩnh điện nhạy cảm.”
KR QUANTEC làm chủ mọi động tác một cách hoàn hảo.
Thế hệ mới của rô-bốt cánh tay có khớp nối KR QUANTEC cũng gây ấn tượng với hiệu quả sử dụng năng lượng đặc biệt nhờ có bộ điều khiển DC tiêu chuẩn: Mức năng lượng tiêu thụ đã được giảm đáng kể cả ở chế độ vận hành lẫn chế độ chờ. Trong quá trình vận hành, rô-bốt sáu trục này tiêu thụ năng lượng ít hơn khoảng 30% so với mẫu rô-bốt tiền nhiệm – một phần là nhờ khả năng tái tạo năng lượng phanh – và thậm chí ít hơn 60% ở chế độ vận hành “Chờ thiết lập”.

Một rô-bốt công nghiệp có thể làm được nhiều điều hơn là chỉ tháo dỡ tự động

Điều này giúp cho rô-bốt 6 trục KR QUANTEC không chỉ hấp dẫn trong việc tái chế pin ô tô điện mà còn trong các lĩnh vực ứng dụng khác nhau. Hệ thống mô-đun được sắp xếp hợp lý của nó cũng hứa hẹn công nghệ tùy chỉnh phù hợp và thời gian giao hàng nhanh – và trên hết là tổng chi phí sở hữu (Total Cost of Ownership, TCO) thấp. Bởi vì công tác bảo trì được giảm thiểu và số lượng phụ tùng thay thế cũng giảm đi. 
Tính linh hoạt cao và tổng chi phí sở hữu thấp chính là đặc trưng của KR QUANTEC.
Với trọng lượng từ 120 đến 300 kg, các mẫu rô-bốt thuộc dòng KR QUANTEC cũng thuộc loại tải trọng cao và có danh mục tải trọng và phạm vi tiếp cận lớn nhất trên thị trường trong lĩnh vực này. Với tùy chọn nâng cấp tải trọng tại cơ sở và các chế độ chuyển động để có chất lượng quy trình cao, đây là khoản đầu tư hợp lý và an toàn cho tương lai dành cho bất kỳ hoạt động sản xuất nào.

Khối lượng thị trường đang tăng một cách nhanh chóng

Điều này cũng áp dụng cho lĩnh vực tháo lắp pin, đặc biệt là khi ngành công nghiệp xe điện được dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng trong những năm tới: Các chuyên gia kỳ vọng quy mô thị trường xe điện toàn cầu sẽ tăng từ dưới 420 tỷ USD (2022) lên hơn 770 tỷ USD vào năm 2028. Chuỗi thử nghiệm của dự án hiện đã cho thấy cách tiềm năng to lớn này có thể được tận dụng để tái chế pin của các nhà sản xuất phụ tùng ô tô (ví dụ: tái chế xe điện nội bộ), các nhà sản xuất pin hoặc công ty tái chế. Các doanh nghiệp quan tâm có thể yêu cầu Viện Fraunhofer IPA kiểm tra tính khả thi của việc tháo dỡ các sản phẩm của họ với sự hỗ trợ của rô-bốt. Hơn nữa, Viện cũng đang nghiên cứu bước đầu tối ưu hóa các sản phẩm để tháo dỡ.
Với tính linh hoạt cao, KR QUANTEC là một yếu tố thiết yếu trong cơ sở thử nghiệm tại Viện Fraunhofer IPA.

Sự hợp tác giữa KUKA và khoa học đã chứng minh được giá trị của nó 

Dự án này không phải là một trải nghiệm mới mẻ gì đối với bất kỳ ai tham gia: KUKA đã hợp tác chặt chẽ với viện nghiên cứu qua nhiều thập kỷ trong việc phát triển và thử nghiệm công nghệ của mình. Ví dụ, rô-bốt phòng sạch KUKA đầu tiên đã được hợp tác phát triển cách đây khoảng 20 năm, tiếp sau đó là các chứng nhận ESD cho hàng chục sản phẩm KUKA và nhiều dự án khác.
Thomas Schmidberger từ KUKA và Anwar Al Assadi, Trưởng dự án tại Viện Fraunhofer IPA, đều rất vui mừng về sự hợp tác thành công.
Sự hợp tác giữa ngành công nghiệp và khoa học một lần nữa đã chứng minh được giá trị với dự án “DeMoBat”: “Chúng tôi đã xây dựng cơ sở thử nghiệm tháo dỡ pin lớn nhất châu Âu tại chính nơi đây”, ông Anwar Al Assadi tự hào nói. “Và với cơ sở này, chúng tôi đã chỉ ra cách để các giải pháp tự động hóa có thể đóng một vai trò quyết định trong việc làm cho di động điện trở nên bền vững hơn nữa.”

Find KUKA system partners in your area

Find the right partner for your industry or specific challenge here.

Tìm hiểu thêm về tự động hóa trong lĩnh vực di động điện